Nhận xét Sơ_kính_tân_trang

Sơ kính tân trang là tác phẩm chính của Phạm Thái. Theo GS. Nguyễn Lộc tác phẩm này có yếu tố tự truyện. Tên hai nhân vật chính na ná tên tác giả (Phạm Thái) và người yêu của ông (Trương Quỳnh Như). Ngoài ra, tác giả còn đưa cả một số bài thơ của ông và người yêu ông viết cho nhau vào tác phẩm. Tuy nhiên, tác giả cũng thêm thắt ít nhiều, như việc đính ước, việc gặp lại "hậu thân" của người ông yêu,...

Xét mặt khác, trong khi phần lớn truyện Nôm cùng thời, thường viết theo cốt truyện của Trung Quốc, thì Sơ kính tân trang là tác phẩm thuần túy Việt Nam. Câu chuyện Việt Nam diễn trên đất nước, xã hội Việt Nam. Đây là nét đáng chú ý của tác phẩm.

Một nét đáng chú ý nữa, là tác giả viết về đề tài tình yêu một cách rất lãng mạn. Đôi trai gái trong truyện yêu nhau tự do, không vướng víu gì về luân và lễ giáo phong kiến. Tác giả không những đồng tình với mối tình ấy, mà còn say sưa miêu tả những tâm trạng yêu đương rất tính tế. Tuy nhiên, tác phẩm còn bị hạn chế ít nhiều, thể hiện trong tâm lý chủ nghĩa thất bại ở hầu hết những nhân vật chính diện, mà chủ yếu là Phạm Kim và Quỳnh Thư. Họ táo bạo trong tình yêu, nhưng khi gặp trở ngại, thì họ chỉ biết than thở, rồi cuối cùng lấy việc tự tử và hẹn gặp nhau ở kiếp sau để tỏ lòng chung thủy. Câu chuyện tái thế tương phùng ở cuối tác phẩm không phải là một biểu hiện lạc quan, mà chẳng qua chỉ là một mơ ước buồn thảm, một điều bịa đặt để tự lừa dối mình, khi tác giả cảm thấy không còn một hy vọng nào trong thực tế.

Sơ kính tân trang không phải là một tác phẩm thành công ở phương diện tự sự, mà ở phương diện trữ tình và ở việc miêu tả tâm trạng nhân vật. Nhất là khi khắc họa những nhân vật phản diện, tác giả sử dụng bút pháp khá sinh động, có tính chất hiện thực, pha thêm chất trào lộng, khôi hài. Ngôn ngữ lục bát của Phạm Thái có những thể nghiệm cách tân táo bạo, kể cả dùng phương ngữ để tô đậm tính chất nhân vật [3].

Liên quan